Trong nhà có những vị trí tưởng như vô cùng sạch sẽ nhưng nếu không chú ý vệ sinh lại có thể trở thành nơi sinh sản của nhiều loại vi trùng, vi khuẩn và nấm.
Nhiều người vẫn cho rằng phòng vệ sinh là nơi bẩn nhất trong nhà. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, rác rưởi, bụi bẩn có thể ẩn náu ở những khu vực khó ngờ tới nhất. Nếu không chú ý vệ sinh, những vị trí này có thể trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại vi trùng, vi khuẩn. Dưới đây là 6 vị trí và vật dụng trong nhà dễ tích tụ vi khuẩn gây hại mà bạn nên vệ sinh thường xuyên.
Thảm lót chân
Thảm lót chân gần cửa là một trong những khu vực được đánh giá bẩn nhất trong nhà. Lòng bàn chân rất dễ dính vi khuẩn gây bệnh, mỗi lần lau chân vào thảm đi vào trong nhà đều sẽ mang theo mầm bệnh.
Giải pháp khắc phục là bạn nên khử trùng thảm lau chân bằng chất khử trùng mỗi tuần, cố gắng để giày dép bên ngoài cửa, không đặt túi hoặc các sản phẩm tạp hóa trên thảm.
Miếng rửa chén
Vốn là thứ chuyên dùng để vệ sinh chén bát nhưng bản thân miếng rửa chén lại ẩn chứa hàng triệu vi khuẩn mang mầm bệnh. Nếu không vệ sinh đúng cách thì chúng sẽ là thứ gây bệnh bậc nhất trong nhà.
Một trong những vi khuẩn có mặt trong miếng rửa chén là Moraxella osloensis có thể gây bệnh cho những người có hệ miễn dịch yếu. Chúng cũng là “thủ phạm” gây mùi hôi cho quần áo và là tác nhân gây mùi khó chịu ở những miếng rửa chén. Các nhà khoa học đi đến kết luận trên sau khi nghiên cứu 14 miếng rửa chén nhà bếp đã qua sử dụng dưới góc độ phân tử ADN.
Điều bất ngờ nhất là dù rửa bằng nước sôi hoặc lò vi sóng cũng không thể diệt hết tất cả vi khuẩn có trong miếng rửa chén. Không những thế, những miếng thường xuyên được khử khuẩn lại có tỉ lệ vi khuẩn gây bệnh cao hơn những miếng không được làm vệ sinh.
Theo nhóm nghiên cứu, điều này có thể do vi khuẩn gây bệnh có khả năng chống lại tác động của việc rửa chén thông thường và nhanh chóng “xâm chiếm” trở lại những vùng đã được làm sạch.
Khi các nhà nghiên cứu đem những miếng rửa chén này quan sát dưới kính hiển vi thì phát hiện mỗi cm2 chứa đến 50.000 tỉ vi khuẩn. Các nhà khoa học cho rằng số lượng vi khuẩn lớn như vậy thường chỉ tìm thấy trong phân.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyên mọi người đừng quá lo lắng vì có một giải pháp vô cùng đơn giản đó là thay miếng rửa chén hàng tuần.
Thớt
Trong bếp, ngoài miếng rửa chén thì thớt cũng là nơi dễ trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn. Theo một nghiên cứu, thớt có nhiều vi khuẩn gấp 200 lần so với toilet. Trên bề mặt của thớt có thể chứa nhiều vi khuẩn như E.coli, Salmonella và Campylobacter (các vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột) có thể lây lan từ thớt sang thức ăn và khi cơ thể hấp thụ sẽ gây bệnh. Do đó cần phải vệ sinh thớt đúng cách để an toàn cho sức khỏe.
Sử dụng chanh để vệ sinh thớt rất tốt vì tính axit trong chanh giúp khử mùi hiệu quả, nhất là mùi tanh. Cắt đôi quả chanh rồi chà trực tiếp lên thớt hoặc hòa nước cốt chanh với nước rửa chén để làm sạch. Ngoài ra có thể dùng giấm trắng để làm sạch thớt vì giấm có tác dụng khử trùng, khử mùi rất tốt, thích hợp để làm sạch thớt bẩn sau khi thái thịt, cá.
Sau khi vệ sinh bạn để thớt ở nơi khô ráo thoáng mát và hãy mua chiếc mới khi chiếc cũ có dấu hiệu bị mốc, đen.
Điều khiển từ xa
Theo các chuyên gia, điều khiển từ xa chứa nhiều vi khuẩn, nấm men và bào tử nấm mốc gấp 20 lần so với bệ ngồi bồn cầu. Tuy nhiên, nó lại là một trong những món đồ gia dụng thường bị bỏ qua khi vệ sinh nhà cửa trong khi hầu như ai cũng phải tiếp xúc với nó nhiều lần mỗi ngày.
Đầu vòi hoa sen
Nhiều người vẫn cho rằng vòi hoa sen có thể tự làm sạch vì mỗi khi chúng ta sử dụng nó, nước sẽ rửa trôi tất cả. Nhưng thực tế, môi trường nóng ẩm của vòi hoa sen cộng thêm nguồn nước giàu khoáng chất chúng ta sử dụng hàng ngày lại là nơi trú ngụ lý tưởng cho vi khuẩn.
Nghiên cứu chỉ ra, vòi hoa sen tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho sự phát triển của các vi sinh vật có khả năng gây tử vong, chẳng hạn như mycobacterium- vi khuẩn nguy hiểm gây ra các bệnh về phổi.
Tay cầm tủ lạnh
Bạn thường chú ý vệ sinh tủ lạnh nhưng tay cầm tủ lạnh lại ít được để ý đến. Thực tế, đây là nơi ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn, nấm mốc và những vi khuẩn này có thể lây lan ra bất cứ khi nào bạn mở cửa tủ lạnh.Do đó, một lần 1 tuần bạn hãy sử dụng giấm trắng pha nước xịt vào phần tay nắm tủ, để 5 phút sau đó lau bằng khăn sạch để tay cầm tủ lạnh luôn được sạch sẽ.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/day-la-nhung-noi-ban-nhat-trong-nha-rat-nhieu-nguoi-khong-ng…Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/day-la-nhung-noi-ban-nhat-trong-nha-rat-nhieu-nguoi-khong-ngo-toi-a545927.html
Theo Minh Hoa (t/h) (Người đưa tin)