Với cách thiết kế và bố trí không gian như trong bài, hiện trạng nhà ống cũ thiếu sáng, có nhiều khối phòng đan xen, bí bách sẽ trở thành ngôi nhà có không gian cân đối, hài hòa, tận dụng tối đa được ánh sáng tự nhiên và tạo ra sự rộng rãi, thoải mái.
Đây là nơi sinh sống của một gia đình 4 người gồm 2 bố mẹ và 2 con trai trong con hẻm nhỏ. Gia chủ cho biết mình hay tổ chức tiếp khách nên yêu cầu thiết kế phòng khách lớn, bếp kín đáo và khu vực nghỉ ngơi có sự riêng tư.
Do đó, kiến trúc sư (KTS) đã đề xuất ý tưởng về căn nhà 3 tầng với tông màu trắng chủ đạo, trong đó KTS tạo một bức tường ngăn kết hợp ô trổ và lưới kim loại giúp không gian luôn ngập tràn ánh sáng, thông thoáng.
Theo sự bố trí của KTS, tầng 1 gồm khu vực chung (có phòng khách và nhà bếp), khu vực riêng (có phòng ngủ của hai vợ chồng).
Trong đó phòng khách rộng rãi, bày biện đơn giản theo đúng yêu cầu của gia chủ, phía sau phòng khách là bếp được ngăn cách với nhau bằng bức tường kết hợp ô trổ và lưới kim loại.
Khu vực bếp nằm dưới giếng trời nên luôn nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên cũng như giúp mùi nấu nướng dễ dàng thoát ra ngoài.
Phía sau bếp là phòng ngủ của hai bố mẹ để đảm bảo sự riêng tư cũng như tạo độ thoáng mở cho công trình có diện tích eo hẹp.
Ngôi nhà sử dụng hệ cửa lùa giúp mở rộng không gian, xóa tan khoảng cách giữa các phòng trong nhà.
Phòng ngủ của con trai ở tầng 2.
Các tầng trong nhà được kết nối với nhau bằng cầu thang và các cầu thang thay đổi kết cấu theo từng tầng. Trong đó từ tầng 1 lên tầng 2 là dạng cầu thang bậc rời để tầm nhìn trong nhà không bị cản trở. Từ tầng 2 và tầng 3 là cầu thang mỏng có hình zigzag giúp giảm độ thô kệch và biến không gian nhà ở trở nên mềm mại và nghệ thuật hơn.
Điểm nhấn đặc biệt của ngôi nhà là tầng mái có khoảng thông tầng sử dụng hệ khung sắt giúp làm giảm cường độ sáng gắt và bức xạ nhiệt, tạo họa tiết nắng thay đổi linh hoạt theo hướng chiếu sáng của mặt trời giúp tăng sự nghệ thuật cho ngôi nhà.
Ở tầng 3, gia chủ sử dụng một phần sân trước để trồng cây, đặt bàn uống trà.
Phần còn lại của tầng 3 được dùng làm kho và khu giặt giũ, phơi đồ của gia đình
Các chậu cây xanh được bố trí trong nhà để tạo sự gần gũi với thiên nhiên.
Nhà vệ sinh cạnh phòng ngủ tầng 1 có mảng xanh lọc khí giúp cải thiện tình trạng bí bách của nhà phố chật hẹp.
Theo các KTS, với cách thiết kế và bố trí không gian như trong bài, hiện trạng nhà ống cũ thiếu sáng, có nhiều khối phòng đan xen, bí bách sẽ trở thành ngôi nhà có không gian cân đối, hài hòa, tận dụng tối đa được ánh sáng tự nhiên và tạo ra sự rộng rãi, thoải mái.
Nguồn: https://tienphong.vn/cach-thiet-ke-tang-mai-giup-nha-ong-trong-hem-lay-duoc-anh-sang-tu…Nguồn: https://tienphong.vn/cach-thiet-ke-tang-mai-giup-nha-ong-trong-hem-lay-duoc-anh-sang-tu-nhien-nhieu-nhat-post1400579.tpo
Theo Lộc Liên (Tiền Phong)