Tạ Quang Bộ chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan rừng cho người mới bắt đầu chơi

Tạ Quang Bộ chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan rừng cho người mới bắt đầu chơi

Chơi lan rừng là một thú chơi có từ rất lâu, chơi lan rất kỳ công, đòi hỏi người chơi phải tỉ mỉ. Nếu là trước đây thì người chơi lan chủ yếu là những người yêu hoa, có thời gian rảnh rỗi, thường là những người đã về hưu thì giờ đây trồng lan rừng đã trở thành niềm đam mê của giới trẻ.

Cùng lắng nghe nghệ nhân trồng lan Tạ Quang Bộ chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan rừng cho người mới bắt đầu vào nghề.

Tạ Quang Bộ chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan rừng cho người mới bắt đầu chơi - 1

Anh Bộ nâng niu từng chậu lan trong vườn

Gặp anh Tạ Quang Bộ trong vườn lan rừng của mình, cái cách anh nâng niu, tỉ mỉ với từng gốc lan người ngoài cũng có thể cảm nhận được tình yêu của anh Bộ dành cho lan rừng nhiều đến thế nào. Anh Bộ quê gốc ở Ninh Bình, sinh năm 1990, năm nay anh mới hơn 30 tuổi nhưng cũng sở hữu một vườn lan khá rộng với rất nhiều những giống lan rừng quý hiếm.

Tạ Quang Bộ chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan rừng cho người mới bắt đầu chơi - 2

Anh Bộ chia sẻ trồng lan rừng rất kỳ công, muốn cho cây khỏe mạnh, ra hoa đẹp thì từ những công đoạn ban đầu đã phải rất chú trọng.

Giá thể trồng lan rừng

Việc lựa chọn giá thể để trồng lan rừng vô cùng quan trọng. Lan rừng là loại tự nhiên nhất, được tìm thấy ở trong thiên nhiên, sống cộng sinh trên các thân gỗ trong rừng, vậy lên khi mang về trồng tại vườn, cần đặc biệt chú trọng đến giá thể để trồng lan rừng sao cho gần gũi với thiên nhiên nhất để lan có khả năng thích nghi môi trường mới nhanh.

Chất liệu gỗ và dớn là lựa chọn tối ưu nhất trong làm giá thể trồng lan rừng. Dớn là dạng sợi mọc ra từ rễ và thân của cây dương xỉ, loại này có ưu điểm không bị đóng rêu mốc và độ hút ẩm cao phù hợp với khí hậu của nhiều vùng.

Dớn được chia làm hai loại cơ bản là dớn sợi và dớn vụn. Loại dớn sợi là dớn đã già hóa mộc, hình thức cứng cáp gần như gỗ, rất được ưa chuộng để trồng lan rừng ở thành phố vừa có tính thẩm mỹ, vừa phù hợp khí hậu. Dớn vụn là phần non hơn của thân cây sau khi đã hóa mộc còn sót lại, với tác dụng hút ẩm cao, giữ nhiệt giúp môi trường trong chậu cao hơn so với bên ngoài, rất thích hợp trồng lan rừng tại các vùng khí hậu lạnh.

Tạ Quang Bộ chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan rừng cho người mới bắt đầu chơi - 3

Anh Bộ luôn tỉ mẩn chăm sóc từng gốc lan

Chiết tách lan rừng

Lan rừng khi mới mua về thường là một bụi lớn nên khi trồng người trồng có xu hướng tách chiết ra thành những cây con để trồng riêng, tuy nhiên theo anh Bộ, khi mới mang lan về từ tự nhiên, cây sẽ chưa thể thích nghi ngay với khí hậu, môi trường mới, nếu không cẩn thận trong khâu chăm mới này có thể lan rừng sẽ bị thiếu sức sống, dễ bị úng hoặc mất nước mà chết. Vậy nên thời gian đầu cứ để nguyên cả cụm to để chăm, vừa chăm vừa quan sát sự phát triển của cây, của bộ rễ rồi mới lựa chọn tách chiết đúng thời điểm.

Sau một thời gian, quan sát bộ rễ và cây, nếu trong bụi có các cây con, rễ phát triển bình thường thì tiến hành tách. Khi tách nếu cây nào rễ bị yếu thì cắt sát gốc chỉ để lại phần rễ khoảng 1cm để chăm sóc lại từ đầu.

Thời gian từ tháng 7 đến tháng 11 là thời gian chậm phát triển của lan rừng, rễ chậm phát triển, thân nhỏ hơn so với bình thường do khoảng thời gian này giao mùa thời tiết thất thường nhất trong năm. Vậy nên không nên chiết tách lan rừng vào thời điểm này. Thời điểm thích hợp nhất là vào mùa xuân.

Tạ Quang Bộ chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan rừng cho người mới bắt đầu chơi - 4

Trồng lan với anh Bộ là đam mê, tình yêu với nghề

Phân bón, môi trường sống cho lan rừng

Quá trình bón phân để bổ sung dưỡng chất cho lan rừng khỏe mạnh, phát triển tốt rất quan trọng. Phân bón cho lan rừng cũng đa dạng ngoài các loại phân bón vô cơ thích hợp thì nước hồ ao, nước vo gạo cũng chứa chất dinh dưỡng nuôi lan rừng phát triển. Tỷ lệ pha phân bón vô cơ cho là 20:20:20 cho giai đoạn đầu và trong quá trình phát triển, đến thời kỳ cây sắp ra hoa (là lúc cây đã tròn căng, không mọc thêm lá nữa) thì chuyển tỉ lệ 10:30:30 để bổ sung dưỡng chất kích thích hoa phát triển.

Lan rừng không ưa nước như những loại cây khác, vì vậy nên việc tưới nước để tạo môi trường ẩm cho lan cần được cân đối sao cho độ ẩm vừa đủ. Thường thì khoảng 15-20 ngày lan mới cần bổ sung thêm 1 lượng nước để duy trì nước trong thân.

Với anh Tạ Quang Bộ, trồng lan giờ đây là đam mê, là tình yêu với lan, với nghề trồng lan. Anh đã hoàn toàn thay đổi về cả tư tưởng lẫn cuộc sống. Chính vì trồng lan mà tâm hồn anh trở lên nhẹ nhàng hơn, tinh tế hơn, anh biết cách cân bằng cuộc sống hơn. Thời gian tới anh Bộ sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và chia sẻ thêm nhiều nữa những kinh nghiệm trồng lan rừng mà anh đúc kết được.

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/ta-quang-bo-chia-se-kinh-nghiem-trong-va-cham-soc-lan…Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/ta-quang-bo-chia-se-kinh-nghiem-trong-va-cham-soc-lan-rung-cho-nguoi-moi-bat-dau-choi-d268591.html

(thoidaiplus.giadinh.net.vn).