Khi ngửi thấy mùi gas trong nhà, tuyệt đối không động đến bất kỳ thiết bị nào có thể phát sinh tia lửa điện, không bật tắt công tắc đèn…
Bếp gas thường được chế tạo và thiết kế khá an toàn, có thể chịu đựng được nhiệt độ và áp suất rất cao. Tuy nhiên, những trường hợp van bình bị rò, ống dẫn gas bị thủng, đứt do chuột cắn,… đều là những nguyên nhân có thể dẫn đến cháy nổ. Bản thân khí gas rò ra không sinh ra vụ nổ, nhưng khi bắt gặp tia lửa điện hoặc có nhiệt độ đủ đạt đến mức gây cháy, hỗn hợp khí sẽ bắt cháy và gây nổ mạnh. Việc nhận biết bình gas bị rò rỉ không khó, dưới đây là những dấu hiệu báo động, chị em nên lưu ý để luôn đảm bảo an toàn cho cả nhà.
Lửa bị đỏ
Ngọn lửa bếp gas màu đỏ có thể làm đen đáy nồi, ảnh hưởng đến việc nấu nướng của bạn. Nguyên nhân thường do gas đốt không hết, dụng cụ nấu không sạch, đầu đốt bị bẩn, van bình gas mở quá ít, bình gas sắp hết hay bị lẫn tạp chất. Bạn nên kiểm tra và vệ sinh lại toàn bộ bếp và bình gas, hiện tượng này sẽ được cải thiện.
Gas bốc mùi
Nếu ngửi thấy mùi gas dù bạn chưa bật bếp, rất có thể đường dây dẫn gas đã bị rò rỉ, khoá van bị hỏng hoặc ống gas nối sai khớp. Trong trường hợp mùi ga nồng nặc, có tuyết bám xung quanh bình, nhiệt độ trong phòng tăng, cần nhanh chóng mở toang cửa thông khí, đặc biệt không bật lửa hay bật tắt các thiết bị điện, tốt nhất là ngắt được nguồn điện từ xa, sau đó nhanh chóng thoát ra ngoài, gọi ngay thợ sửa chữa đến kiểm tra và xử lý kịp thời.
Lửa phát tiếng kêu
Trong trường hợp, bạn nghe thấy tiếng lửa bếp gas có tiếng phựt phựt, rất có thể bình ga nhà bạn đã bị rò hoặc bộ phận không khí, họng lửa lắp chưa đúng khớp, khe thoát lửa bị nghẹt. Sau khi chỉnh vị trí họng lửa và làm sạch lại khe thoát lửa mà vẫn còn tiếng động này, bạn nên gọi người đến kiểm tra và sửa chữa.
Nguồn lửa bất thường
Nếu ngọn lửa bếp gas nhà bạn cháy bất thường, có mùi gas thoát ra ngoài, bạn cần lập tức tắt bếp, khoá van bình đồng thời kiểm tra lại mâm chia lửa có bị đặt lệch hay không, lau khô sứ đánh điện của bếp. Nếu không thể tự mình xử lý, hãy gọi thợ sửa chữa đến kiểm tra là an toàn nhất.
Cách xử trí khi thấy có dấu hiệu rò rỉ gas
– Khi ngửi thấy mùi gas trong nhà, tuyệt đối không động đến bất kỳ thiết bị nào có thể phát sinh tia lửa điện, không bật tắt công tắc đèn, quạt, đóng cắt mạch điện, kể cả điện thoại di động.
– Lập tức khóa van bình.
– Sử dụng các phương tiện thông gió thủ công, ví dụ quạt nan hoặc mảnh bìa carton để quạt tản khí đi. Nếu quạt máy đang chạy thì vẫn để nguyên.
– Mở hết các cửa ở phía trên bếp (không phải là các cửa ngang bếp) để tạo đối lưu lên trên, khi nào gần hết mùi mới được mở hết các cửa nhà.
– Lấy xà phòng bít vào chỗ khí gas thoát ra, phun nước vào bình, nếu thấy bình phồng lên, ngay lập tức chạy thoát ra ngoài, đề phòng bình gas nổ.
Để tránh những sự cố về gas, nên chú ý những điều sau:
– Khi chọn bình gas, nên chọn đại lý chính hãng uy tín, có tên tuổi, tránh hàng giả.
– Chọn bình còn nguyên vẹn, không móp méo, nước sơn còn tốt, không chóc, rỉ, rỗ và đặt ở nơi thông thoáng.
– Khi đang thay bình gas, tuyệt đối không được sử dụng hoặc vận hành các thiết bị có thể phát sinh tia lửa điện gần đó như nổ xe máy, đánh bật lửa.
– Kiểm tra độ kín của bếp và ống dẫn gas bằng nước bọt xà phòng, cả trong trạng thái mở và khóa van.
– Khi sử dụng xong nên khóa van bình, không chỉ là tắt bếp, bởi có trường hợp chủ nhà đi vắng cả ngày, chuột cắn đứt dây gas mà không biết.
– Nếu bình gas nhà bạn dùng van vặn thì khi mở chỉ vặn 1-2 vòng (hơi lỏng tay) là đủ, không cần mở hết.
– Sau 3 – 5 năm sử dụng, nên thay ống dẫn gas.
Ngoài việc khiến một số đồ vật có thể gây nổ, nhiệt độ trong xe dưới trời nắng có thể khiến các thành phần trong những viên thuốc nén, viên nhộng có…
Theo Lê Lê (T/H) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)