Những loại vải dày phổ biến nhất mùa đông như len, dạ, nhung… thường bị hôi khi phơi nhiều ngày trong thời tiết mưa ẩm hoặc để quá lâu trong tủ quần áo.
1. Ngâm với nước nóng
Sau khi giặt, chúng ta có thể nhúng quần áo vào nước nóng khoảng 50 độ, rồi vắt và đem phơi ngay. Hiệu quả bốc hơi của nước nóng sẽ rút ngắn thời gian làm khô quần áo. Tuy nhiên không nên áp dụng cách làm này nhiều lần bởi nhiệt độ có thể sẽ làm giảm chất lượng vải quần áo của bạn.
2. Sử dụng nước xả vải
Để quần áo được thơm tho hơn, bạn nên sử dụng thêm nước xả vải trong quá trình giặt.Tốt hơn hết là nên dùng nước xả vải một lần xả để chắc chắn rằng quần áo của bạn sẽ sạch hẳn xà phòng ngay trong lần xả nước đầu tiên.
Quần áo cần phải ngâm nước xả trong vòng 10 -15 phút để cho mùi hương thấm sâu vào trong từng thớ vải, giúp cho quần áo của bạn và gia đình thơm lâu hơn, tránh được những mùi ẩm mốc, khó chịu do các vi khuẩn thường xuất hiện trong mùa mưa gây ra.
3. Vắt kiệt nước ở quần áo trước khi phơi
Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn có 1 chiếc máy giặt, nó sẽ thay bạn vắt thật khô quần áo. Nhưng nếu trong nhà bạn không có thì cũng đừng lo lắng, bạn có thể tự tay vắt quần áo. Vắt mạnh từng phần nhỏ một sau khi treo lên sẽ giúp đống quần áo giảm thiểu độ ẩm.
Hãy vắt hết nước càng khô càng tốt khi phơi quần áo mùa đông, giúp quần áo nhanh khô hơn, nhanh khô cũng đồng nghĩa với việc có ít mùi hôi.
4. Phơi quần áo đúng cách
Tốt nhất là bạn hãy chọn một khoảng không gian rộng và có nhiều nắng để phơi quần áo. Nếu nhà bạn không có đủ diện tích để đáp ứng được điều này thì vẫn cần đảm bảo quần áo có thể được phơi dưới nắng. Nên phơi quần áo vào buổi sáng để tận dụng nhiều nắng nhất có thể. Đặc biệt khi phơi nên căng quần áo trên dây hoặc mắc để tăng hiệu quả của ánh nắng mặt trời.
Ngoài ra có một bí kíp nhỏ đó là bạn nên phơi ngược cho phần thắt lưng và miệng túi xuống dưới đối với những loại quần có chất vải dày. Việc phơi ngược quần áo sẽ giúp ráo nước nhanh hơn, nhất là đối với những chiếc quần jeans, quần tây hay những loại có chất liệu dày dặn. Đặc biệt không dùng quạt để làm khô quần áo vì trong trường hợp quần áo ẩm ướt, thời tiết ẩm ướt, quạt sẽ chỉ càng làm hơi nước ngưng tụ, khiến quấn áo lâu khô hơn.
5. Xử lý mùi hôi bằng rượu
Những loại vải dày phổ biến nhất mùa đông như len, dạ, nhung… thường bị hôi khi phơi nhiều ngày trong thời tiết mưa ẩm hoặc để quá lâu trong tủ quần áo. Để xử lý vấn đề này, bạn cần đến một ít rượu vodka.
Đổ một chút rượu vodka vào bình xịt (có thể pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:1 nếu mùi hôi không quá nặng) rồi xịt lên quần áo. Rượu vodka có tác dụng khử mùi rất tốt mà không lưu lại mùi rượu trên quần áo. Sau khi xịt, chỉ cần treo khô quần áo ở nơi khô thoáng là chúng ta đã loại bỏ được mùi hôi một cách nhanh chóng.
6. Bảo quản quần áo
Sau khi giặt và phơi, chúng ta nên kiểm tra chắc chắn tất cả đã được phơi khô hoàn toàn trước khi gấp cho vào tủ bởi chỉ cần một chiếc áo mỏng còn ẩm ướt là đủ để cả tủ quần áo của bạn có mùi ẩm mốc khó chịu.
Ngoài ra cũng không nên đặt tủ quần áo trong môi trường có độ ẩm cao hay những nơi ẩm mốc. Đối với những loại quần áo trái mùa cần cất đi, bạn cho quần áo, chăn màn vào những túi nilong to sau đó cho vài viên chống ẩm hoặc túi thơm vào tủ quần áo để hạn chế mùi hôi từ quần áo.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/quan-ao-khong-kho-boc-mui-hoi-ham-lam-theo-cach-nay-t…Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/quan-ao-khong-kho-boc-mui-hoi-ham-lam-theo-cach-nay-thom-phuc-sau-1-dem-d51202012211134524.html
Biết hết những mẹo vặt đơn giản này, cuộc sống của các mẹ sẽ nhẹ nhàng đi phân nửa lại có thêm thời gian cho bản thân.
Theo Lê Lê (T/h) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)